Cách Bảo Quản Hải Sản Trên Thuyền Sau Khi Đánh Bắt

 Bảo quản hải sản là khâu quan trọng của các tàu cá.


Đây là phương pháp làm hầm bảo quản bằng các vật liệu cách nhiệt công nghệ mới, nhờ vậy giúp ngư dân bảo quản hải sản tốt hơn và tăng thời gian bám biển so với phương pháp truyền thống.

Hoạt động này nằm trong Dự án sơ chế và bảo quản sản phẩm trên biển do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia làm chủ đầu tư, Đại học Nha Trang chủ trì thực hiện từ tháng 10-2011 đến cuối năm 2013. Dự án sẽ phối hợp với các chủ tàu xây dựng các mô hình quản lạnh hải sản khai thác xa bờ để ngư dân học tập kinh nghiệm.


Hiện nay, rất nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ sử dụng phương pháp bảo quản hải sản bằng cách ướp bằng đá lạnh có nilon, đá cây có két nhựa hay làm hầm cách nhiệt bằng các vật liệu truyền thống như gỗ, xốp, chất dẻo hóa học... Những môi trường bảo quản này dễ tạo ra vi sinh vật có hại và chúng dễ thẩm thấu vào thân cá, hủy hoại vật liệu cách nhiệt, nhanh ngậm mùi, do đó thời gian bảo quản ngắn. Chính vì vậy, chất lượng hải sản đánh bắt giảm đáng kể trong quá trình bảo quản, vận chuyện dài ngày.



Với phương pháp xây dựng hầm bảo quản bằng vật liệu công nghệ cách nhiệt dưới dạng bọt xốp Polyurethane (PU) mới, lót hầm bằng inox, sẽ giúp khắc phục các nhược điểm ở hầm truyền thống. Bọt xốp PU khi phun vào sẽ bám chặt vào vách ngăn và mặt trong của vỏ tàu ngăn không cho thấm nước, giữ lạnh rất tốt, khối lượng nước đá mang theo được sử dụng đến 95% (bình thường khoảng 60-70%), hạn chế tàu phá nước. Đặc biệt là kéo dài thời gian đánh bắt trên biển nhưng vẫn đảm bảo muối cá, mực tươi đạt chất lượng. Hiện tại chi phí vật liệu để làm hầm theo phương pháp mới này cao hơn gấp 1,5 đến 2 lần vật liệu truyền thống nhưng tuổi thọ gấp gần 10 lần. Thời gian sử dụng từ 15 đến 20 năm.



Thạc sỹ Phan Xuân Quang, Viện Khoa học và Công nghệ Khai thác thủy sản, Chủ nhiệm dự án cho biết: “Một chuyến đi biển thường kéo dài khoảng 10 ngày là phải quay về để bảo đảm chất lượng hải sản. Nếu ngư dân xây dựng hầm bảo quản bằng vật liệu mới là PU sẽ tăng thời gian bảo quản lên 15 ngày, do đó tiết kiệm chi phí xăng dầu đi lại và tăng sản lượng đánh bắt của mỗi thuyền. Hiện tại Viện đã xây dựng mô hình làm điểm cho ngư dân tham quan, học tập, tuyên truyền và áp dụng làm theo tại địa phương. Muốn nâng cao hiệu quả đánh bắt, khai thác xa bờ dài ngày, việc bảo quản sản phẩm là yếu tố cực kỳ quan trọng”.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét